Theo thống kê của Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong năm 2018 địa phương thu hút 23 dự án BĐS với tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng. Như vậy, tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 157 dự án BĐS với tổng diện tích hơn 3.400ha; tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng. Dự kiến năm 2019, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ thu hút thêm 124 dự án BĐS.

Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có cuộc họp với các Sở, ban, ngành liên quan để nghe Công ty Korea Infrastructure Corporation (Hàn Quốc) trình bày phương án đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng Felice City tại khu đất chuyển giao từ ngân hàng Công thương, TP.Vũng Tàu.

Theo đó, Công ty Korea Infrastructure Corporation đã đề xuất ý tưởng quy hoạch và đầu tư Dự án du lịch nghỉ dưỡng Felice City theo hướng một khu đô thị thông minh với điểm nhấn là thương mại, dịch vụ.

Ngoài ra, khu đô thị này còn đáp ứng các tiện ích về y tế, học tập, nghiên cứu, vui chơi, giải trí, thư giãn, tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật, thể dục – thể thao, gặp gỡ và sinh hoạt cộng đồng. Khu đô thị có các phân khu chức năng gồm: Nhà hát, trung tâm triển lãm quốc tế, trung tâm văn hóa, bảo tàng, cầu đi bộ và vườn trên cao, văn phòng, trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp, căn hộ khách sạn, câu lạc bộ thể thao biển, bến du thuyền, công viên ven bờ biển, công viên và quảng trường trung tâm, công viên chủ đề, công viên văn hóa, công viên vui chơi giải trí…

Tuy nhiên, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết tính đến nay đã có 4 đơn vị xin đầu tư vào khu đất chuyển giao từ Ngân hàng Công thương, TP. Vũng Tàu. Quan điểm của tỉnh là khách quan, công tâm và minh bạch nhằm lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án. UBND tỉnh đã đề nghị các Sở, ngành hỗ trợ nhà đầu tư trong việc tiếp cận dự án để hoàn chỉnh ý tưởng, trình Ban thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.

Trước đó, Công ty Korea Infrastructure Company Limited cũng đã trình bày với UBND tỉnh dự án đầu tư du lịch, nghỉ dưỡng tại khu đất Paradise và khu đô thị mới Bàu Trũng (TP.Vũng Tàu). Korea Infrastructure Company Limited dự kiến đầu tư vào 2 dự án này khoảng 3,2 tỷ USD và sẽ liên doanh cùng các DN Hàn Quốc để điều hành việc kinh doanh.

Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã cho ý về báo cáo Phương án đầu tư dự án Khu đô thị mới Cửa Lấp do Công ty Cổ phần Gami bất động sản làm chủ đầu tư. Tỉnh này lưu ý trong dự án cần nghiên cứu bố trí khu vui chơi, giải trí hợp lý nhằm phục vụ tốt nhu cầu của du khách, cư dân sinh sống trong dự án và các khu vực lân cận.

Đồng thời, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đề nghị Công ty GaMi và đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của các Sở, ngành tại cuộc họp, bổ sung, hoàn thiện lại phương án để báo cáo xin ý kiến Tỉnh ủy.

Được biết, dự án Khu đô thị mới Cửa Lấp có diện tích đất dự kiến khoảng 108ha. Dự án được bố trí gồm các phân khúc như: Khu nhà ở liền kề kết hợp dịch vụ thương mại; Khu biệt thự song lập; Khu công trình cao tầng; Trung tâm thương mại; Khu công viên văn hóa chủ đề; quảng trường; khu vui chơi dưới nước và thủy cung; bể bơi; nhà hàng; bãi đổ xe kết hợp cây xanh; bến tàu, trường học, bệnh viện…

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 16 dự án trọng điểm đang được tỉnh tổ chức kêu gọi đầu tư, bao gồm: khu đất Paradise, khu đất Safari, khu vực Núi Dinh, khu đất dự án Khu du lịch nghỉ mát giải trí đa năng Sài Gòn Atlantis, khi trung tâm Logistics Cái Mép Hạ 800ha, Quỹ đất nhận chuyển giao từ ngân hàng Công thương (Trung tâm phát triển quỹ đất), Khu đất cụm 5, Khu đất Cụm 3 (TP. Vũng Tàu), Khu công viên văn hóa thể thao Bàu Trũng, Khu công viên Bàu Sen, Khu đô thị Gò Găng, Dự án đường Long Sơn – Cái Mép, Dự án cầu Phước An, Dự án đường Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu…

Qua thời gian tìm hiểu, một số dự án đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm, xin đầu tư như: khu đất Safari, khu vực Núi Dinh, khu đất dự án Khu du lịch nghỉ mát giải trí đa năng Sài Gòn Atlantis, khi trung tâm Logistics Cái Mép Hạ 800ha…Trong quá trình thực hiện, các dự án này cũng đang gặp một số vướng mắc, khó khăn, do đó, Sở đã đề xuất các giải pháp giải quyết và kế hoạch thực hiện trong thời gian tới.

Ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết Bà Rịa – Vũng Tàu đang điều chỉnh quy hoạch, kêu gọi đầu tư nhiều dự án du lịch – nghỉ dưỡng lớn đã bị thu hồi do nhà đầu tư không đủ năng lực triển khai để giao cho các nhà đầu tư có năng lực và tâm huyết nhằm sớm đưa dự án vào hoạt động. Đây được xem là những “thỏi nam châm” thu hút các nhà kinh doanh BĐS đầu tư vào địa phương này.

Thời gian qua, cũng theo ông Hưng, nhiều nhà đầu tư xin chủ trương vào đầu tư du lịch nghỉ dưỡng như: Tập đoàn Tuần Châu đề xuất siêu dự án nghỉ dưỡng rộng gần 400ha tại TP. Vũng Tàu; Tập đoàn SunGroup cũng đã khảo sát, tìm hiểu dự án nghỉ dưỡng khu vực núi Dinh; Tập đoàn FLC đề xuất rót vốn đầu tư khu vườn thú hoang dã Safari và tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp rộng gần 600ha; Tập đoàn BRG cũng đã làm việc nhiều lần với địa phương để đầu tư một dự án ven biển quy mô khá lớn…

Song song đó, chính quyền địa phương cũng đang xem xét việc Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Nhất Anh vừa có văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư Khu du lịch cờ vua thế giới tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ.

Cụ thể, tên dự án Khu du lịch cờ vua thế giới tại xã Lộc An được đổi thành Học viện bóng đá và khu du lịch nghỉ dưỡng. Diện tích thực hiện tăng từ 11,25ha lên 33,7ha. Về quy mô đầu tư, điều chỉnh khu nghỉ dưỡng thành khu học viện bóng đá và khu nghỉ dưỡng. Vốn đầu tư tăng từ 160 tỷ đồng lên 2.360 tỷ đồng.

Thay đổi tiến độ tiến độ thực hiện dự án, từ 2017 đến quý II/2019 hoàn thành các thủ tục đầu tư, san lấp mặt bằng; từ quý III/2019 đến quý IV/2021 xây dựng học viện bóng đá và khu nghỉ dưỡng, từ quý I/2022 sẽ hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động.

Ban quản lý các khu công nghiệp cũng vừa có văn bản kiến nghị UBND tỉnh xem xét việc đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung sân golf thuộc dự án Công viên thể thao Phú Mỹ 3 vào quy hoạch sân Golf Việt Nam đến năm 2020 để tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung và Chủ đầu tư khu công nghiệp nói riêng trong việc thu hút các nhà đầu tư tiềm năng.

Theo báo cáo của Ban quản lý các khu công nghiệp, dự án Công viên thể thao Phú Mỹ 3 (trong đó có hạng mục sân golf 18 lỗ) được quy hoạch tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ.

Khu đất để thực hiện dự án đã được phê duyệt quy hoạch 1/2000 là loại đất dành cho cây xanh thể thao. Hiện tại, Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ (chủ đầu tư) đã đền bù giải phóng mặt bằng được 911,7 ha trên tổng diện tích thực hiện 999 ha; đồng thời triển khai san lấp mặt bằng, thi công hạ tầng kỹ thuật cho 300 ha giai đoạn đầu của dự án và hoàn thành xong hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các công trình dịch vụ kỹ thuật tiện ích như: đường giao thông, hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom nước thải, hệ thống cấp điện ngầm,…

Như vậy, theo đánh giá của lãnh đạo Sở Xây dựng Bà Rịa – Vũng Tàu, sự đổ bộ của các chủ đầu tư lớn vào tỉnh này đã làm cho thị trường BĐS ở đây thêm phần sôi động. Từ đó, khi có nhiều doanh nghiệp tên tuổi đầu tư thì thị trường BĐS càng cạnh tranh, nhà đầu tư, người dân có thêm nhiều sự lựa chọn, giá cả sẽ hợp lý, dự án sẽ chất lượng, bảo đảm tính pháp lý hơn.

Theo Nhịp sống kinh tế