Có lẽ bạn cũng từng đi làm muộn? Một lúc nào đó, thời gian bỗng dưng vuột ra khỏi tầm tay và bạn chậm trễ. Đối diện với kết quả này, bạn chắc hẳn rất bất an, lo lắng và bực bội. Không may thay, vẫn còn những đối tượng sẽ cảm giác khó chịu và không vui hơn cả bạn nữa, đó chính là sếp và công ty.

Kẻ đi trễ nên hành xử thế nào để không khiến sếp nổi điên hay ghét bỏ là một vấn đề “nhỏ nhưng không nhỏ”. Bởi bạn biết rồi đấy, đi trễ có thể nói là một trong những vấn nạn hàng đầu tại hầu hết công ty. Thế nhưng, căn bệnh này lại phổ biến và trở nên quen thuộc đến nỗi nhiều người có xu hướng xem nhẹ các  ảnh hưởng xấu của nó lên chính bản thân lẫn công ty. Hãy cùng chúng tôi tham khảo một vài phân tích để nắm bắt bí quyết phản ứng nhanh với chuyện đi làm trễ mà không làm sếp thất vọng nhé!

 

Nguy cơ từ việc đi trễ

Tình huống này xảy đến với tất cả chúng ta nên mọi người đều có thể hiểu. Nhưng, dù đã hiểu hay thông cảm, sếp và công ty vẫn cần lời giải thích của người phạm lỗi.

Có thể kể ngay các lý do “kinh điển” nhất của hầu hết nhân viên đi làm muộn:

– Ngủ quên

– Bị tắc đường, kẹt xe

– Xe máy bị bể bánh hoặc xe buýt gặp sự cố bất ngờ

– Đột nhiên bị cảm/ sốt/ nhức đầu/ đau bụng/ trúng gió…

– Gặp trục trặc khi chuẩn bị đưa con đến trường buổi sáng

Vô vàn lý do từ chủ quan đến khách quan, từ gia đình đến xã hội, từ thời tiết đến khí hậu sẽ được mọi người viện dẫn khi chẳng may đi làm muộn. Đôi khi, chúng ta còn nghe được những lời giải thích đặc biệt đến mức khó tin như bị cảnh sát tạm giữ vì vô tình có mặt trong một vụ tai nạn, phải đi tìm chú cún cưng mất tích, hay sáng nay bạn phải chạy đi chỉnh sửa lại bộ dạng khủng khiếp mà tối qua thợ cắt tóc đã gây ra…

Tuy nhiên, đừng bao giờ cho rằng có một lý do thì có nghĩa là mọi việc ổn thoả. Thực tế bạn đã gây ảnh hưởng đến người khác. Và những sự chậm trễ sẽ phải chịu hình phạt của riêng nó, không sớm thì muộn. Tình trạng thường xuyên đi làm muộn có thể gây hại cho sự nghiệp lâu dài của bạn. Nó làm xấu đi hình ảnh cá nhân, gây giảm tín nhiệm của bạn trong mắt nhà tuyển dụng, tệ hơn nữa, nó buộc doanh nghiệp phải loại trừ bạn ra khỏi guồng máy của họ.

Theo khảo sát của, 53% nhà tuyển dụng mong muốn nhân viên có mặt đúng giờ mỗi ngày, 41% sẽ sa thải người thường đi làm muộn. Trong khi đó, những lời bào chữa bị đánh giá rất kém, với 49% người đến muộn viện cớ do giao thông, ngủ quên chiếm 32%, cơ thể mệt mỏi 25%, và sự trì hoãn là 17%.

 

Hãy đến muộn trong nỗ lực của người có trách nhiệm

Đi trễ là chuyện không mong muốn, nhưng nếu nó lỡ xảy ra thì đây là 5 điều bạn được khuyên nên thực hiện:

 

1. Nhanh chóng thông báo

Đừng đột ngột “lặn mất tăm” không dấu vết vào một buổi sáng đẹp trời! Ngay khi xác định mình có khả năng sẽ đến muộn, điều tốt nhất nên làm là liên lạc với sếp thông báo sự việc, dự kiến thời gian bạn sẽ có mặt tại công ty và đưa ra phương án xử lý công việc trong lúc vắng mặt.

Đồng thời, hãy gọi điện báo cho các bên liên quan như nhân sự (nếu có quy định), đồng nghiệp… Sau đó, tranh thủ đưa ra thông tin của vài người có thể tạm thay thế bạn giải quyết các công việc trong trường hợp cần thiết.

 

2. Giải thích

Chắc chắn bạn cần tự giác đưa ra lời giải thích vì sao đi trễ với sếp, càng sớm càng tốt. Nếu đã có lý do chính đáng, hãy sử dụng nó! Nhưng nên nhớ là bạn đang giải thích, đừng cố bào chữa hay đổ lỗi.

Hãy đảm bảo lời giải thích của bạn đạt được 3 tiêu chí: rõ ràng, nhún nhường và ngắn gọn. Trình bày ngay vào lý do cụ thể và xác đáng để làm rõ sự cố thời gian vừa xảy ra. Diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu, và tránh quanh co. Đặc biệt, đừng kể ra các câu chuyện quá ngớ ngẩn, kỳ quặc hay hoang đường nếu bạn thực sự không gặp phải nó. Bạn cần biết rằng nhiều khi sếp muốn lương thiện…nhưng ai cho sếp lương thiện?

 

3. Xin lỗi

Nếu bạn đã đi làm muộn, hành động thành khẩn nhận lỗi cũng có ý nghĩa. Chẳng hại gì nếu bạn nói lời xin lỗi. Bạn có thể gửi tin nhắn hoặc email để xin lỗi, hoặc bạn có thể xin lỗi trực tiếp nếu cho rằng mình đã khiến mọi thứ hơi hỗn loạn. Thái độ tích cực nhất là thừa nhận sai sót, khắc phục và tiến lên.

 

4. Cố gắng xử lý công việc từ xa

Sau khi xem xét tác động của việc đi trễ, bạn hãy đề nghị làm việc từ xa nếu có thể. Chỉ trừ trường hợp đang gấp rút lái xe đến chỗ làm, bạn vẫn có thể giúp đỡ một phần nào cho các đồng nghiệp thông qua điện thoại, email và các ứng dụng chat nếu đang ngồi trên xe bus, tại điểm sửa xe hay những nơi bạn đang chờ xử lý rắc rối như bệnh viện, trường học… Nên tham gia các cuộc họp qua điện thoại nhằm tránh bỏ lỡ kế hoạch của mọi người. Ngoài ra, việc chủ động liên hệ và cập nhật tình hình với các khách hàng hoặc đối tác mà bạn đang làm việc cũng là cách tránh cho mọi thứ bị xáo trộn hoặc đình trệ.

 

5. Làm rõ rằng bạn sẽ không biến nó thành thói quen

Chắc chắn bạn không được phép để điều này tiếp diễn. Hãy lên kế hoạch làm việc từ trước, tăng quỹ thời gian di chuyển để phòng hờ cho những tình huống bất ngờ xảy ra khi giao thông trên đường, sắp xếp và chuẩn bị những việc cho con cái sẵn sàng từ tối hôm trước…

Hãy thể hiện cho sếp, quản lý nhân sự công ty và có thể là cả các đồng nghiệp thường xuyên tương tác với bạn rằng việc này sẽ không trở thành thông lệ. Bạn có thể nói những câu hàm ý “Tôi hiểu là công ty xem trọng giờ giấc, tôi nhận thức được các hệ quả tác động đến công việc, tôi đảm bảo sẽ đúng giờ trong tương lai. Hôm nay chỉ là việc bất khả kháng/ đột xuất ngoài ý muốn” để khẳng định. Hãy nghiêm khắc với bản thân để tránh lặp lại như một thói quen, trừ khi nếu muốn sếp không tin bạn nữa!

Dù đã được gợi ý về những việc cần làm, nhưng muốn đạt hiệu quả thì bạn cần hiểu đúng bản chất của sự việc. Vì thế hãy xem tiếp những chia sẻ giá trị từ các chuyên gia về tâm lý và tư vấn phát triển nghề nghiệp.

 

Liệu lý do có thực sự quan trọng?

Nhân viên trung thực sẽ đưa ra lý do thật sự, nhưng không ít người khác lại cố bào chữa bằng những câu chuyện dễ được thông cảm. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất cần thông suốt chính là người nghe có “muốn tin” và sẵn lòng thông cảm cho bạn hay không.

Jonathan Burston, nhà tư vấn và sáng lập viên của Interview Expert Academy, nói ông từng nghe rất nhiều lời bào chữa trong những năm qua và đưa ra cảnh báo rằng danh tiếng nghề nghiệp của bạn sẽ quyết định liệu bạn có bị nghi ngờ không khi đưa ra giải thích quá khác thường hay đặc biệt. “Một người sẽ được tin tưởng đến mức nào tuỳ thuộc vào tính cách, đạo đức làm việc và trải nghiệm trong quá khứ của họ.”

Trong khi đó, với kinh nghiệm từng tiếp nhận vô vàn lý do đi làm muộn của nhân viên, Maria Katrien Heslin, chủ quản của GPS to Success Coaching & Development, nhận định rằng với cô thì lý do gì không quan trọng. Bởi những lý do chính đáng nhất xét cho cùng vẫn hoàn toàn là việc cá nhân, trong khi đó nhiều lời biện hộ ngớ ngẩn khác lại khiến nhân viên phải nói dối. Heslin cho rằng có thể cô sẽ không biết được lý do thật sự, thay vào đó cô tập trung xem xét liệu việc chậm trễ này có phải là vấn đề mãn tính không. “Đây được chứng minh là phương pháp có tính tôn trọng và hiệu quả hơn”.

 

Trung thực là quy tắc hàng đầu

Sheila Dramis, CEO của HR Partners, nói rằng “chúng ta là con người và đều có lỗi lầm, vì thế hãy thừa nhận và rồi cải thiện để phát triển hơn”. Nếu bạn đến trễ, hãy cứ trung thực. “Chính trực là đức tính mà mọi công ty đều tìm kiếm ở nhân viên. Khi nói dối, bạn phá vỡ niềm tin đó và khiến sếp khó chịu hơn nữa.”

Dramis cũng chia sẻ rằng, lời xin lỗi thực sự quan trọng. “Nó cho thấy bạn hiểu đây là một việc xấu, ảnh hưởng đến nhóm và bạn đang từng bước sửa chữa. Xin lỗi tốt hơn là cứ cố bào chữa. Người quản lý muốn nhìn thấy bạn hiểu biết và thay đổi.”

 

Nhưng, vì sao bạn lại cứ đi làm muộn nhỉ?

Nếu cụm từ “thường xuyên” không tồn tại trong trường hợp của bạn thì xin chúc mừng, còn ngược lại, bạn phải thực sự nghiêm túc kiểm điểm bản thân.

Quay trở lại vấn đề đã nói: “lý do”, nhưng cần đặt câu hỏi đúng hơn chính là “nguyên nhân sâu xa”. Một trong những nguyên nhân lớn nhất của hầu hết người mắc phải thói quen đến công ty muộn vào buổi sáng, dù đôi khi không muốn thừa nhận, đó là bạn không thích làm việc này. Mấu chốt vấn đề cũng chỉ như vậy: bạn đã không còn đủ nhiệt huyết và động lực để làm công việc hiện có nữa. Nó không cho bạn cảm giác thôi thúc muốn đóng góp, mục tiêu để phấn đấu, hay thậm chí không đủ nỗi sợ để cố gắng tránh phạm lỗi. Và nguyên nhân lớn thứ hai là bạn không đủ năng lực kiểm soát kế hoạch và quyết tâm uốn nắn bản thân. Bạn vẫn luôn dung túng cho tính bê trễ, kỷ luật kém và thiếu tôn trọng người khác.

Nếu đã thực sự rơi vào hoàn cảnh như vậy, hãy dành thời gian rà soát lại bản thân và công việc. Hãy dừng nguỵ biện và lập tức thay đổi. Suy xét mọi khía cạnh một cách công bằng và tích cực nhất rồi sau đó lên kế hoạch chấn chỉnh. Tự hỏi bản thân xem bạn có muốn trở thành người tốt hơn không? Bạn có thể bỏ đi thói quen xấu, tìm lại con người đầy trách nhiệm và cảm hứng như những ngày đầu không? Hoặc bạn có thể chia sẻ với sếp để được hỗ trợ cho những điều chưa thích đáng trong nhiệm vụ của mình không? Sau tất cả, nếu không có bất cứ sự thay đổi nào mang lại ý nghĩa, đã đến lúc bạn nên đầu tư công sức tìm việc mới thay vì tiếp tục lãng phí thời gian tìm cớ nguỵ biện cho sự chậm trễ.

 

 

Theo CareerBuilder Vietnam