An Giang là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam, là tỉnh có dân số đông nhất và diện tích đứng thứ 4 (sau Kiên Giang, Cà Mau và Long An) ở Tây Nam bộ, đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL.

An Giang được biết đến là vùng kinh tế trọng điểm của đồng bằng sông Cửu Long có vị trí địa lý quan trọng trong giao thương kinh tế với các tỉnh trong vùng như Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ và Campuchia (qua cửa khẩu).

Với lợi thế cũng như tiềm năng sẵn có từ thiên nhiên ưu đãi, các mặt hàng chủ lực của An Giang như lúa-gạo, cá tra, cá basa và rau quả đông lạnh đã phát triển mạnh và có mặt khắp nơi trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt gần 01 tỷ USD. Mặt hàng gạo không những đem lại sự no đủ cho vùng Nam Bộ, là mặt hàng chủ lực cho xuất khẩu, mà còn quyết định đến an ninh lương thực quốc gia.

Nhằm tạo đà cho phát triển kinh tế, những năm gần đây, An Giang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ. Các tuyến đường cầu phà được xây dựng và trùng tu nhằm đáp ứng phát triển kinh tế – xã hội, vừa đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng- an ninh.

An Giang là tỉnh đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long có 2 thành phố trực thuộc tỉnh là Long Xuyên và Châu Đốc. Thành phố Long Xuyên là đô thị loại II trực thuộc tỉnh An Giang, nằm bên bờ sông Hậu có truyền thống văn hóa đặc trưng của một thành phố miền Tây với chợ nổi trên sông và nhiều di tích thắng cảnh khác. Thành phố Châu Đốc là thành phố biên giới, nổi tiếng với cụm di tích và thắng cảnh ở núi Sam.

Chợ nổi trên sông thu hút du khách bởi đặc trưng văn hóa sông nước miền Tây

Đối với lĩnh vực du lịch, An Giang là mảnh đất tập trung nhiều giá trị văn hoá và tâm linh người Việt. Tỉnh đã và đang khẩn trương đầu tư các khu di tích văn hóa – lịch sử Núi Sam, Núi Cấm, đồi Tức Dụp, khu di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo – Ba Thê, khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, du lịch sông nước khám phá xuôi ngược dòng Mekong…

Nhằm đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, hiện nay, Tỉnh đang phối hợp với các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương thường xuyên tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư, tuyên truyền, quảng bá nhằm đa dạng hóa thành phần kinh tế – xã hội tham gia đầu tư vào An Giang. Nhận thấy tiềm năng phát triển của An Giang nên nhiều dự án bất động sản theo đó cũng nối đuôi nhau ra đời.

Một góc thành phố Long Xuyên

Từ những phân tích trên cho thấy thị trường bất động sản An Giang rất tiềm năng phát triển, nhưng thực tế cho thấy những năm qua thị trường bất động sản ở An Giang mặc dù có sự phát triển nhưng không cân xứng với tiềm năng của mình. Do đó, nếu doanh nghiệp bất động sản “bắt mạch” đúng với nhu cầu của thị trường, đặc biệt là nhu cầu của nhóm người có thu nhập trung bình thì tiềm năng phát triển của thị trường này trong tương lai là rất lớn.

Nguồn tham khảo: Báo Sài Gòn Giải Phóng