Cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng là hai trong năm trụ cột kinh tế được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư. Trong ảnh: Một góc cảng Cái Mép.
Cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng là hai trong năm trụ cột kinh tế được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư. Trong ảnh: Một góc cảng Cái Mép.

Chỉ trong ba tháng đầu năm 2018, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã trao giấy phép và tiến hành khởi công nhiều dự án quan trọng, trong đó có những dự án trọng điểm quốc gia có sự lan tỏa, ảnh hưởng không chỉ với kinh tế – xã hội của địa phương mà với cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước.

Tỉnh đang kỳ vọng làn sóng đầu tư mới sẽ tạo sức bật mạnh mẽ tại năm lĩnh vực kinh tế vốn là thế mạnh của địa phương là công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thu hút đầu tư có chọn lọc

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sau nhiều năm sụt giảm cả về số lượng dự án lẫn tổng nguồn vốn đăng ký đầu tư, năm 2017, tỉnh đã đón một làn sóng đầu tư mới với gần 70 dự án cả trong và ngoài nước, với số vốn đăng ký hơn 1,5 tỷ USD và 40 nghìn tỷ đồng, gấp hai lần năm 2016. Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có hơn 300 dự án đầu tư nước ngoài, với số vốn hơn 26,7 tỷ USD và 450 dự án đầu tư trong nước với số vốn hơn 244 nghìn tỷ đồng. Trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, có công nghệ hiện đại, như: Nhà máy thép Posco SS-Vina, kính chuyên biệt NSG, sản xuất hóa chất hiếm, Cảng ODA Tân cảng Cái Mép, Khu du lịch phức hợp Hồ Tràm…

Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, để nâng cao chất lượng các dự án đầu tư, tháng 7-2017, Tỉnh ủy Bà Rịa- Vũng Tàu đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-TU về nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Theo đó, tỉnh kiên trì mục tiêu đầu tư có chọn lọc, với các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, có sức lan tỏa. Trong giai đoạn 2017 – 2020, tỉnh phấn đấu thu hút 80 dự án đầu tư nước ngoài, với vốn đăng ký khoảng 4 tỷ USD và 90 dự án trong nước với khoảng 100 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký… Thực tế cho thấy, hậu quả của việc thu hút đầu tư ồ ạt những năm trước đây đã bộc lộ nhiều hạn chế làm ảnh hưởng không nhỏ sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Việc xử lý ô nhiễm môi trường tại các dự án dệt – nhuộm hay các dự án chậm triển khai vẫn đang là những bài toán khó, mà địa phương chưa thể một sớm một chiều giải quyết được. Với việc xây dựng bộ tiêu chí thu hút đầu tư, Bà Rịa – Vũng Tàu đang dần chủ động hơn trong việc tiếp cận những nhà đầu tư có đẳng cấp, uy tín, đồng thời hạn chế những lĩnh vực, ngành nghề đầu tư không thích hợp, mà minh chứng rõ nét nhất là hầu hết các dự án đầu tư được cấp phép trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 vừa qua, đều là những dự án nằm trong quy hoạch và đáp ứng các yêu cầu địa phương đề ra, như: Nhà máy sản xuất hạt nhựa polypropylene Phú Mỹ – Công ty cổ phần sản xuất Nhựa Phú Mỹ, Nhà máy điện mặt trời Đá Bạc 2 của Công ty TNHH Tài Tiến…

Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Văn Trình khẳng định, cùng với việc đẩy mạnh xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng vào các lĩnh vực vốn là thế mạnh của địa phương, tỉnh cũng sẽ cương quyết thu hồi các dự án chậm triển khai, nhà đầu tư cố tình dây dưa, không có khả năng thực hiện, để tạo quỹ đất cho các nhà đầu tư khác. Đây cũng chính là giải pháp nhằm tạo sự bình đẳng giữa các nhà đầu tư, từng bước xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, khách quan và thực chất.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư

Với việc triển khai hàng loạt các dự án lớn trong thời gian ngắn vừa qua, Bà Rịa – Vũng Tàu đang kỳ vọng vào sự đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới. Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Lê Hoàng Hải cho biết: Một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả thu hút đầu tư của địa phương chính là đẩy mạnh việc giải ngân vốn đầu tư, chuyển từ vốn đăng ký sang vốn thực hiện. Để đạt mục tiêu này, tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai, sớm đưa các dự án vào hoạt động. Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu cũng chỉ rõ những hạn chế khiến việc giải ngân vốn đầu tư sang vốn thực hiện trên địa bàn thời gian qua chỉ đạt hơn 40% và số dự án chậm triển khai chiếm tới hơn 26%. Trong đó, có nguyên nhân chính là những rào cản về thủ tục hành chính, sự thiếu quan tâm giải quyết kịp thời, dứt điểm những vướng mắc, khó khăn của nhà đầu tư của một số ban, ngành địa phương. Từ đó nhanh chóng đưa ra những giải pháp phù hợp, khẩn trương tháo gỡ các khó khăn cho nhà đầu tư. Ông L.E-vơ, Chủ tịch HĐQT Công ty Heineken Vũng Tàu, cho biết, dự án mở rộng nhà máy bia Heineken Việt Nam, với tổng vốn đăng ký tăng thêm 185 triệu USD, công suất 610 triệu lít bia/năm tại Bà Rịa – Vũng Tàu, có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược kinh doanh và phát triển thị trường của công ty tại khu vực phía nam. Dự án nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ rất lớn của chính quyền địa phương, khiến chúng tôi cảm thấy yên tâm và phấn khởi, bởi những vướng mắc về thủ tục hành chính luôn là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư nản lòng.

Năm 2018, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ đổi mới quy trình quyết định đầu tư theo hướng đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ nhà đầu tư ở mức cao nhất. Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết: Lãnh đạo tỉnh sẽ trực tiếp làm việc với các nhà đầu tư trước, để xem xét quyết định chủ trương đầu tư. Sau khi chủ trương được chấp thuận, tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trong thời gian sớm nhất. Cố vấn Văn phòng Japan Desk Bà Rịa – Vũng Tàu Ô. Kô-gi chia sẻ, thời gian qua, Japan Desk đã tiếp hơn 312 doanh nghiệp Nhật Bản đến làm việc và khảo sát cơ hội đầu tư tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Với việc quyết liệt đổi mới quy trình làm việc và hỗ trợ nhà đầu tư mà Bà Rịa – Vũng Tàu đang triển khai, rất có thể trong thời gian tới, dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ dịch chuyển mạnh mẽ từ một số quốc gia trong khu vực về Việt Nam, trong đó có Bà Rịa – Vũng Tàu.

Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Hoàng Hải, hiện địa phương đang tiến hành xúc tiến, mời gọi các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào các dự án có giá trị lớn, như khu Paradise, khu Atlantic, Sarafi, Núi Dinh, các tuyến du lịch ven biển Vũng Tàu – Long Hải – Phước Hải – Xuyên Mộc, Trung tâm logistics Cái Mép Hạ, cảng Cái Mép Hạ… Đồng thời tỉnh cũng phấn đấu rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính như: Cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 120 ngày; thủ tục kết nối cấp thoát nước không quá bảy ngày; thủ tục đăng ký sở hữu tài sản sau hoàn công không quá 20 ngày; thông quan hàng hóa tối đa là 70 giờ đối với hàng xuất khẩu và 90 giờ đối với hàng nhập khẩu… Ngay sau khi hồ sơ của doanh nghiệp được nộp qua văn phòng một cửa tập trung, Sở KH-ĐT sẽ tiến hành lấy ý kiến của các ngành liên quan. Các sở, ngành liên quan trong thời gian năm ngày làm việc phải có ý kiến chính thức để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh quyết định chấp thuận hay không chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Đây vừa là thiện chí, vừa là nỗ lực rất lớn của địa phương nhằm hỗ trợ nhà đầu tư chuyển nhanh nguồn vốn đăng ký sang vốn thực hiện.

Ngày 24-2 vừa qua, tại lễ khởi công dự án Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn, tại xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định, Bà Rịa – Vũng Tàu đã và đang hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để triển khai các dự án quy mô lớn, tạo sự bứt phá mạnh mẽ về phát triển kinh tế – xã hội. Với việc xây dựng một chiến lược thu hút đầu tư có chọn lọc, hỗ trợ nhà đầu tư bằng những việc làm cụ thể, đưa quy định về thời gian giải quyết thủ tục, hồ sơ đầu tư thành pháp lệnh…, Bà Rịa – Vũng Tàu đang tạo dựng cho mình hình ảnh về một vùng đất giàu tiềm năng và hứa hẹn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bài và ảnh: LÊ ANH TUẤN

Nguồn: http://www.nhandan.com.vn